THỊ – PHI. Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ. Như vậy thị phi chính là gốc tạo tội. Bớt thị phi, bớt nói phải quấy thì bớt vô minh. Chúng ta khen ai là vì người đó nói phải, chê là vì họ nói quấy. Từ phải quấy tới khen chê, rồi thương ghét. Hễ thương ghét thì phiền não, mà phiền não là gốc của vô minh. Chúng ta luôn luôn thấy mình hơn người nên chỉ nhìn thấy cái xấu của người. Thấy cái xấu của họ cũng có nghĩa là tự cho mình tốt, mình hơn người. Nếu biết tu, ta chỉ nên thấy thiên hạ tốt, đừng thấy họ xấu. Nhưng thói thường, khi ngồi lại với nhau thiên hạ hay nói xấu người chứ ít nói tốt. Đó là triệu chứng của bản ngã cao như núi. Tất cả chúng ta biết đạo lý, biết tu hành thì phải nhắc nhở nhau, những gì làm tăng trưởng bản ngã, tăng trưởng vô minh thì phải tránh. Sở dĩ chúng sanh tạo nhiều nghiệp, luân hồi mãi cũng bởi thị phi. Vì thị phi nên thương ghét. Thương ghét nên tạo nghiệp. Thương thì theo đuổi, ghét thì ruồng bỏ. Bởi thị phi nên thấy người thấp ta cao, ai động tới cũng không dung được. Cho nên người biết tu phải khéo, đừng thị phi công phu mới tiến. Thật ra thị phi không có lẽ thật, tùy theo cái nhìn của mỗi người mà phân định đúng sai. Người mang kiếng xanh thì thấy sự vật màu xanh, mang kiếng hồng thấy sự vật màu hồng. Mọi sự khen chê đều theo cái thấy cá nhân, phải đâu thật phải, quấy đâu thật quấy. Thí dụ người uống nửa lít rượu là say mèm, người khác uống đến một lít cũng chưa say. Dân uống rượu sẽ khen gã uống được nhiều rượu là giỏi. Dân không uống rượu sẽ chê kẻ ấy nát rượu. Cũng như có hai tên trộm, một tên đêm nào cũng trộm đồ trót lọt, còn một tên trộm hoài không được. Tên không trộm được sẽ khen tên kia trộm giỏi. Những cái khen đó có đạo lý gì đâu. Kẻ uống rượu nên khen người uống rượu, kẻ ăn trộm nên khen người ăn trộm, người đàng hoàng lại chê. Như vậy khen chê tùy thuộc cái nhìn của mỗi người. Không phải uống rượu giỏi là cả thiên hạ đều khen, ăn trộm dở thì cả thiên hạ đều chê. Người tu chúng ta cũng vậy, Phật tử thấy thì khen quý thầy có duyên có phúc được xuất gia, tu hành thanh tịnh, nhưng cũng có kẻ chê tu hành là tiêu cực bi quan. Rõ ràng khen chê không cố định, vậy mà chúng ta cứ nghe khen chê rồi lệ thuộc vào nó. Được khen thì vui, bị chê thì buồn. Từ đó ta có xu hướng thích gần những người xảo trá nịnh hót, còn người ngay thẳng chân chánh, chỉ bảo những sai lầm cho mình thì lại ghét, tìm cách lẩn tránh. Ở đây thiền viện có con chó bị ghẻ lở, một thầy thương nên mua thuốc về thoa cho nó. Bị xức thuốc đau nên hễ thấy mặt thầy là nó chạy. Con chó lấy ân làm oán vì nó ngu. Con người khôn ngoan, được chỉ bảo những thói hư tật xấu để sửa đổi thành tốt, lẽ ra phải biết ơn, sao lại bực bội ghét người giúp mình. Người chỉ lỗi thì mình ghét, người nịnh bợ nói không đúng sự thật thì lại thương. Vậy là chúng ta cũng lấy ân làm oán và lấy oán làm ân, rõ ràng mình còn quá dở, tưởng khôn mà không phải khôn. Người thành tâm tu hành phải luôn cầu xin thầy bạn nhắc nhở những điều xấu dở….